Giải ngố về Blockchain và Bitcoin

    Năm 2017 là năm mà các đồng tiền kỹ thuật số – cryptocurrency (gọi nôm na là tiền ảo) như Bitcoin, Ethereum, Litecoin, Ripple… làm mưa làm gió trên thế giới và tất nhiên Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc chơi. Rất nhiều bạn trẻ mình quen đã tham gia đầu tư mua bán bitcoin, đào bitcoin… và cũng rất nhiều anh em developer tuy chưa đầu tư vào những đồng tiền trên nhưng cũng rất quan tâm đến các đồng tiền ảo và đặc biệt là Bitcoin – ngôi sao sáng nhất trên bầu trời Coin hiện nay.

Hôm nay, trong phạm vi bài viết này mình sẽ chia sẻ với mọi người một số kiến thức nho nhỏ mà mình đã tìm hiểu được về Bitcoin và nền tảng công nghệ đứng đằng sau nó là Blockchain. Tuy nhiên ở đây mình chỉ tập trung vào vấn đề công nghệ chứ không đi sâu vào vấn đề đầu tư, đào bới để kiếm tiền (vì bản thân mình cũng không tham gia đầu tư tiền ảo).


— Blockchain —

Đầu tiên chúng ta sẽ nói về Blockchain – một gã khổng lồ thầm lặng đứng đằng sau các ngôi sao tiền kỹ thuật số. Blockchain giúp cho Bitcoin và những đồng tiền ảo khác có thể hoạt động được. Nói cách khác, các đồng tiền ảo hiện nay ra đời và hoạt động đều dựa vào nền tảng công nghệ Blockchain.

Blockchain là gì ?

Blockchain

Blockchain là một chuỗi liên kết các Blocks (khối) lại với nhau, mỗi một block sẽ lưu thông tin về những giao dịch – transactions (cụ thể là transaction gì thì còn phụ thuộc vào mỗi ứng dụng cụ thể, ví dụ với Bitcoin thì transaction chứa trong các Block sẽ là giao dịch chuyển Bitcoin từ địa chỉ này sang địa chỉ kia) gần nhất (mà chưa được lưu lại ở những blocks trước đó). Có thể coi Blockchain là một quyển sổ cái, sổ kế toán chung ghi lại tất cả các giao dịch, trong đó mỗi trang trong quyển sổ đó là một Block, trang này đầy thì sẽ ghi sang trang mới; quyển sổ này có một đặc điểm là có số trang vô hạn. Một khi thông tin về transactions đã được ghi lại thì sẽ không bao giờ có thể bị thay đổi hay xóa đi. Ngoài những transactions, mỗi block còn chứa một số dữ liệu khác (cụ thể sẽ nói ở phần sau).

Blockchain hoạt động trên một mạng máy tính kết nối ngang hàng

Blockchain hoạt động trên một mạng ngang hàng (peer-to-peer) được tạo thành từ rất nhiều các máy tính (các máy tính này được gọi là các nodes). Mỗi node trong mạng này đều lưu giữ một bản sao của Blockchain (chính là cuốn sổ cái đề cập ở trên). Blockchain hoạt động dựa trên cơ chế đồng thuận và cơ sở dữ liệu phân tán. Mỗi khi có Block mới được thêm vào Blockchain thì Block đó sẽ được các nodes trên mạng truyền cho nhau và phát tán trên toàn bộ mạng lưới, mỗi node sẽ thực hiện kiểm tra tính hợp lệ của Block; nếu Block là hợp lệ nó sẽ được nối thêm vào bản sao Blockchain mà node đang lưu giữ, nếu không hợp lệ thì Block sẽ bị node reject ngay lập tức và không được gửi sang các nodes khác nữa.

Những đặc điểm hay ho của Blockchain

  • Disintermediation: Loại bỏ các yếu tố trung gian (ví dụ ngân hàng chính là một yếu tố trung gian) → việc loại bỏ yếu tố trung gian giúp thuận tiện trong việc giao dịch, tiết kiệm chi phí cho người tham gia giao dịch và đặt biệt là tăng độ tin cậy của giao dịch bởi vì khi đã có một trung gian đứng giữa, bạn phải tin họ. Làm sao có thể biết chắc được rằng họ sẽ không lừa bạn ? Các giao dịch trên nền tảng Blockchain có thể được thực hiện bất cứ lúc nào, từ quốc gia này đến quốc gia khác, miễn là có kết nối internet.
  • Decentralized: Không có trung tâm, không có ai quản lý hay điều hành
  • Transparency: Các transactions một khi đã được tạo thành block và add vào Blockchain thì không thể thay đổi. Tất cả các thay đổi trên Blockchain đều có thể xem công khai
  • No single point of failure: Blockchain không có trung tâm, khi một số nodes trên network của Blockchain gặp vấn đề không thể hoạt động thì các nodes còn lại vẫn tiếp tục duy trì sự sống của Blockchain.
  • Secure: Không có trung tâm nên không thể bị hack, dữ liệu phân tán nên không thể bị thay đổi

==> Thực ra trên lý thuyết là vẫn có thể bị hack khi hacker đồng loạt hack được tất cả nodes trong mạng Blockchain nhưng trên thực tế thì 99,99% là không thể, vì việc đó đòi một máy tính hỏi sức mạnh tính toán cực kỳ khủng khiếp mà trên thực tế là không thể có.

Mặt trái của Blockchain

Mặt trái của Blockchain đó là để duy trì hoạt động của nó thì rất tốn kém. Các nodes trong Blockchain network sẽ phải làm những công việc trùng nhau (tính toán, kiểm tra block,…), trong đó việc tính toán để tạo ra Block là cực kỳ phức tạp và tốn điện năng. Chính vì vậy nếu tính trên tổng thể thì Blockchain khá là tốn kém, lãng phí tài nguyên.


— Bitcoin —

Chúng ta đã tìm hiểu qua về Blockchain, giờ là lúc chúng ta đi vào bàn về Bitcoin (viết tắt là BTC).

Định nghĩa Bitcoin

  • Là một loại tiền kỹ thuật số (cryptocurrency)
  • Hoạt động trên nền tảng công nghệ Blockchain
  • Hoạt động trên Bitcoin network

Sơ lược về lịch sử của Bitcoin

  • 18/08/2008: Tên miền bitcoin.org được đăng ký
  • 31/10/2008: Satoshi Nakamoto (đến này vẫn không biết đây là tên một người hay tên của một tổ chức hay cái méo gì) đã tung ra một bài viết – một bản thiết kế – một bản tuyên ngôn giới thiệu Bitcoin đến thế giới, đó là Bitcoin: A Peer-to-Peer Electronic Cash System
  • 03/01/2009:  Satoshi Nakamoto đã đào ra một block đầu tiên của Bitcoin (block đầu tiên này được gọi là genesis block) và được nhận 50 bitcoins đầu tiên từ hệ thống. Cần phải nói thêm là thời điểm đó đào dễ nên chỉ cần dùng máy tính chạy CPU cùi bắp cũng đào được.
  • 12/01/2009: Hal Finney nhận 10 Bitcoins từ Satoshi Nakatomo. Đây là giao dịch đầu tiên về Bitcoin được thực hiện.
  • 22/05/2010: Ngày này được gọi là “Bitcoin Pizza Day”. Câu chuyện là vào ngày 18/05/2010 có một đồng chí lập trình viên tên là Laszlo Hanyecz sống tại Florida, Mỹ đã viết trên https://bitcointalk.org rằng ông ta sẽ trả 10.000 BTC cho người nào mua cho ông ta 2 chiếc bánh pizzas của hãng Papa John (lúc đó có giá khoảng $25). Và có một đồng chí khác cũng dở hơi và rảnh việc đã hưởng ứng lời kêu gọi này bằng cách mua 2 chiếc bánh Pizzas và gửi đến cho Laszlo Hanyecz. Vào ngày 22/05/2010, Laszlo Hanyecz  đã hân hoan thông báo rằng ông ta đã mua được 2 chiếc Pizzas bằng 10.000 BTC. Bitcoin đã chính thức có giá trị mua bán từ thời điểm đó.
  • 06/08/2010: Một lỗ hổng bảo mật trong bitcoin protocol đã được phát hiện ra. Các transactions đã không được kiểm tra đúng cách trước khi được đưa vào Blockchain. Lỗ hổng này đã bị khai thác vào ngày 15/08/2010, hơn 184 tỉ Bitcoins đã được tạo ra và được gửi vào một địa chỉ trên network. Trong vòng 1 giờ sau đó thì lỗ hổng này đã được fixed, giao dịch đó đã bị xóa khỏi blockchain. Đây là lỗ hổng bảo mật duy nhất của bitcoin protocol được phát hiện ra đến thời điểm này.

4 thành phần cấu thành của Bitcoin

4 thành phần cấu thành của Bitcoin

  • Cryptography: Các thuật toán dùng để mã hóa và liên kết các block trong Blockchain với nhau
  • Sotfware: Các máy tính join vào Bitcoin network thì cần setup và chạy Bitcoin Software. Link download: https://bitcoin.org/en/download
  • Hardware: Chính là các máy tính cài Bitcoin Software và join vào Bitcoin network (gọi là node)
  • Gaming Theory: Luật chơi. Tất cả các nodes trong Bitcoin network phải tuân thủ theo luật chung (còn gọi là cơ chế đồng thuận)

Có gì bên trong mỗi Block ?

Ví dụ về các block của Bitcoin

Mỗi block của Bitcon bao gồm:
  • Số thứ tự của Block
  • Các giao dịch Bitcoin
  • Giá trị hash của Block trước đó
  • NONCE (number used once): Đây là một số bất kỳ được add thêm vào trong Block. Mục đích là làm thay đổi giá trị hash (tính theo thuật toán SHA-256) của Block sao cho giá trị hash của Block đó thỏa mãn yêu cầu. Yêu cầu ở đây là giá trị hash phải có n chữ số 0 đằng trước (hiện nay Bitcoin yêu cầu n = 18). Việc tìm ra NONCE thỏa mãn yêu cầu chính là việc của các máy đào Bitcoin. Giá trị của n không phải cố định mà sẽ tăng lên theo thời gian làm cho việc đào Bitcoin ngày càng khó khăn và tốn kém hơn.
  • Giá trị hash của chính nó (gọi là Proof of work)
  • Kích thước của mỗi Block bị giới hạn trong 1Mb. Không hiểu sao lại là 1Mb, chắc là để đảm bảo truyền nhận tốt trên mạng. Có một nhánh mới của Bitcoin là Bitcoin Cash thì giới hạn kích thước một Block được tăng lên 8Mb.

Giao dịch Bitcoin được thực hiện như thế nào ?

Giao dịch Bitcoin

Mỗi người tham gia vào Bitcoin network sẽ có một ví – Bitcoin wallet. Một ví bao gồm 2 thành phần:

  • Địa chỉ của ví (Address): Dùng để nhận Bitcoin, khi A chuyển Bitcoin cho B thì A phải nhập địa chỉ ví của B vào
  • Mã bí mật của ví (Private Key): Thứ nhất là dùng để sinh ra Address thông qua một thuật toán chuyển đổi kết hợp với hash function. Thứ hai là dùng để gửi Bitcoin, khi A chuyển Bitcoin cho B thì A phải cung cấp Private Key của ví của A.

Thông tin về giao dịch giữa 2 người sẽ được lưu lại vào phát tán trên toàn bộ mạng Bitcoin

Các loại ví Bitcoin (Bitcoin wallets)

Bitcoin wallets

Có 4 loại Bitcoin wallets sau:

  • Online wallets: Ví được tạo trên một số trang web (các trang web này chủ yếu hoạt động trên nguồn tiền tài trợ của người dùng), Private Key được lưu trên web này luôn. Người dùng sẽ có account/password để truy cập ví. Sử dụng ví dạng này khá nguy hiểm vì nó phục thuộc vào uy tín của các trang web đó. Nếu đặt niềm tin không đúng chỗ có thể bị hack ví bởi các trang web lừa đảo.
  • Software wallets: Người dùng cài phần mềm quản lý ví trên máy tính cá nhân. Private Key sẽ được lưu trong phần mềm trên máy tính của người dùng. Nếu máy tính bị mất hoặc hỏng ổ cứng thì người dùng sẽ mất Private Key và sẽ mất số Bitcoin trong ví vĩnh viễn luôn.
  • Hardware wallets: Thông tin ví được quản lý bằng một thiết bị chuyên dụng, nhỏ gọn. Tuy nhiên nguy cơ bị mất thiết bị đó cũng là rất cao.
  • Paper wallets: Thông tin về Address và Private key của ví được in ra giấy, kèm theo cả mã Barcode có thể dùng để quét. Cách sử dụng ví loại này là khi cần giao dịch thì tạo ví Online hoặc Software, sau đó nhập vào thông tin của ví được in trên giấy. Giao dịch xong thì xóa luôn thông tin đi. Khá là bất tiện nhưng lại rất an toàn, có những thanh niên lầy lội còn cắt ra làm mấy mảnh rồi gửi mỗi mảnh vào một ngân hàng khác nhau để đỡ bị hack.

Link để đăng ký Bitcoin wallets: https://bitcoin.org/en/choose-your-wallet

Các loại nodes trên Bitcoin network

Bitcoin network

Có 2 loại nodes trên Bitcoin network:
  • Full node
    • Node loại này sẽ download và duy trì một bản sao đầy đủ của blockchain
    • Kiểm tra tất cả các block và giao dịch mà nó nhận được sau đó chuyển tiếp cho các nodes khác
    • Để chạy full node thì ở thời điêm hiện tại cần khoảng 125Gb ổ cứng, 2 Gb RAM, kết nối Internet với tốc độ upload tối thiểu 50KB/s. Tổng dung lượng upload khoảng 200Gb và download khoảng 20Gb trên 1 tháng
  • Lightweight node:
    • Download và lưu giữ một phần của Blockchain
    • Thực hiện cơ chế kiểm tra đơn giản (simplified payment verification – SPV)
    • Connect đến Full node và sử dụng bộ lọc để đảm bảo rằng nó chỉ nhận những thông tin cần thiết cho giao dịch của nó

Note:

  • Các máy đào coin solo (đào một mình) thì phải là Full node
  • Máy đào trong một liên minh (mining pool) chỉ cần chạy Lightweight node
  • Để chạy Bitcoin wallet thì có thể dùng Lightweight node hoặc Full node

Đào Bitcoin như thế nào ?

  • Sử dụng các siêu máy tính chạy phần mềm Bitcoin software (còn gọi là Bitcoin Core) để tạo ra các Blocks từ những giao dịch Bitcoins. Công việc nặng nhọc nhất ở đây là thử các giá trị NONCE để tìm ra NONCE làm cho giá trị hash của Block thỏa mãn rule. Các máy tính này gọi là các “thợ đào” hay “miner”
  • Đào coin là một cuộc chạy đua khốc liệt giữa các máy đào trong Bitcoin network. Máy nào tìm ra NONCE thỏa mãn yêu cầu trước thì sẽ trở thành người chiến thắng và được thưởng một lượng coin nhất định gọi là reward coins. Hiện giờ mỗi Block được tạo ra thì máy đào chiến thắng sẽ được thưởng 12.5 Bitcoins cộng với phí giao dịch được lấy từ ví của những người gửi trong các transactions. Reward coins được chuyển đến ví của chủ sở hữu máy đào thông qua một transaction được gọi là Coinbase transaction – đây là transaction không có địa chỉ gửi mà chỉ có địa chỉ nhận, transaction này được chính máy đào tạo ra và nhúng vào Block mà nó đã đào được. Reward coins sẽ giảm ½ sau mỗi 210.000 blocks
  • Phần cứng sử dụng để đào Bitcoin: Việc đào Bitcoin bây giờ đã khó hơn những ngày đầu khi Bitcoin mới ra đời rất nhiều nên để đào Bitcoin cần dùng Card đồ họa (GPU) hoặc phần cứng chuyên dụng ASIC (Application Specific Integrated Circuits)
  • Các máy đào Bitcoin có thể chơi kiểu đào Solo (chạy full node, đào được thì hưởng tất) hoặc join vào mining pool – một mạng lưới liên minh các máy đào (chạy Lightweight node, đào được thì chia nhau)
  • Hiện nay trung bình cứ 10 phút lại có 1 Block mới được tạo ra và tương ứng là 12.5 BTC được đào lên

Bitcoin network hoạt động ra sao ?

Khi có transaction được thực hiện thì các giao dịch sẽ được truyền đi tất đến các nodes trong mạng, các nodes khi nhận được transaction thì sẽ thực hiện verify transaction có hợp lệ hay không. Việc verify được các nodes thực hiện bằng cách kiểm tra lại tất cả các lịch sử transaction lưu trong Blockchain của nó xem các transaction mới này có khớp với các transaction trước đó không. Nếu transaction là hợp lệ nó sẽ được đưa vào hàng đợi trên node đó chờ đến lượt xử lý, nếu transaction là không hợp lệ nó sẽ bị node reject và không truyền tiếp đến các node khác.

Tất cả các node trong mạng đều có trách nhiệm verify transaction nhưng chỉ có các nodes hoạt động với vai trò máy đào (miners) mới có trách nhiệm xử lý các transactions để tạo thành block. Khi một máy đào tạo ra block mới sớm nhất nó sẽ broadcast block mới này đến toàn bộ các nodes trên mạng lưới, các nodes nhận được block mới có trách nhiệm verify block đó, thông tin được verify ở đây bao gồm

  • Cấu trúc dữ liệu của block
  • Hash value của block
  • Hash value của block trước đó
  • Kích thước của block, time stamp, coin base transaction
  • Tất cả các giao dịch chứa trong block

Nếu tất cả đều OK thì mới Block được nối thêm vào Blockchain.

Trung Quốc là quốc gia có nhiều miner nhất

Theo https://www.kaspersky.com  thống kê vào 18/08/2017 thì có đến 81% thợ đào Bitcoin là ở Trung Quốc – một quốc gia có giá điện rất rẻ

Phân bố của các miner trên thế giới

Tính pháp lý của Bitcoin

Vì tính chất ẩn danh trong giao dịch, Bitcoin được tội phạm mạng quan tâm. Tuy nhiên, cũng giống như các loại tiền tệ khác, Bitcoin cũng như vàng hay tiền mặt, đều được dùng như vật trung gian để rửa tiền. Trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ về Bitcoin ngày 18 tháng 11 năm 2013, Cục Phòng Chống Tội Phạm Tài chính Hoa Kỳ (FinCen) đã nói rằng: Tiền mặt vẫn là công cụ rửa tiền chính. Bitcoin không phải là kênh rửa tiền lý tưởng vì tất cả giao dịch đều được công khai.

Tháng 9 năm 2015, Ủy ban giao dịch hàng hoá tương lai Mỹ (CFTC) công bố, Bitcoin đã chính thức được đưa vào danh sách hàng hóa được phép giao dịch tại Mỹ. Phần lớn các cơ quan trong chính phủ Mỹ đều đã tán thành việc sử dụng Bitcoin. Đơn cử, Ủy ban bầu cử liên bang Mỹ (FEC) muốn chấp nhận quyên góp qua Bitcoin.

Theo phán quyết của Tòa án tối cao châu Âu vào tháng 10 năm 2015, Bitcoin sẽ được phép giao dịch như các đơn vị tiền tệ thông thường mà không bị đánh thuế tại châu Âu.

Tháng 11 năm 2015, truyền thông tại Việt Nam rộ lên tin tổ chức khủng bố ISIS có thể nhận viện trợ bằng Bitcoin. Tuy nhiên, vào ngày 27 tháng 1 năm 2016, Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) đã ra báo cáo chính thức rằng họ không tìm thấy bất cứ một sự liên hệ nào giữa Bitcoin và tổ chức khủng bố này.

Tại thời điểm đầu năm 2017, Malta đã đưa Bitcoin và công nghệ Blockchain vào chiến lược quốc gia. Thụy Điển và Nhật cũng đã chấp nhận Bitcoin như một phương thức thanh toán chính thức. Chỉ có duy nhất 3 quốc gia đã ra lệnh cấm giao dịch Bitcoin, bao gồm: Bangladesh, Bolivia, Ecuador. Một số quốc gia như Mỹ, Nhật, Thụy Điển cho phép giao dịch Bitcoin nhưng bắt buộc các sàn giao dịch phải tuân thủ một số quy định trong ngân hàng như KYC/AML và kiểm toán nội bộ. Phần lớn các quốc gia còn lại (bao gồm Việt Nam) đều để Bitcoin ở trạng thái không quản lý hoặc không rõ ràng.

Một số notes khác về Bitcoin

  • Theo thống kê của trang https://bitnodes.earn.com thì hiện tại có khoảng gần 12.000 nodes trong Bitcoin network
  • Không ai sở hữu hay thao túng mạng Bitcoin, giá của Bitcoin được quyết định bởi thị trường
  • 1 Bitcoin (BTC) = 100.000.000 Satoshi ==> Đơn vị nhỏ nhất của Bitcoin là Satoshi, có thể mua bán theo đơn vị Satoshi chứ không nhất thiết phải mua cả Coin
  • Bitcoin không phải là vô hạn, chỉ có tổng số 21 triệu Bitcoins (theo ước tính thì đến khoảng năm 2140 sẽ hết Bitcoin để đào)
  • Các transactions có khối lượng giao dịch lớn sẽ được ưu tiên xử lý trước
  • Reward coins cho mỗi Block được đào sẽ giảm ½ sau mỗi 210.000 blocks. Tham khảo thêm tại http://www.bitcoinblockhalf.com

Một số reference links về Bitcoin


— Các câu hỏi hay gặp về Bitcoin — 

Tại sao chỉ có 21 triệu bitcoins ?

Đây là con số mà Satoshi Nakamoto lựa chọn khi xây dựng Bitcoin core. Không ai hiểu có ý nghĩa cụ thể, thích thì chọn thôi 🙂

Nếu không có ai đào Bitcoin nữa thì sao ?

Thì Bitcoin network sẽ ngừng hoạt động. Bitcoin trở thành vô giá trị vì không có máy đào thì các transactions sẽ không được xử lý. Tuy nhiên trên thực tế thì sẽ ít khả năng xảy ra việc này. Vì

  • Khi hết coin rồi thì đào coin vẫn có tiền vì được hưởng transaction fee
  • Những người sở hữu Bitcoins nếu ko muốn số Bitcoins mà họ có trở nên vô giá trị thì họ phải tìm cách nào đó để duy trì Bitcoin network. Tức là họ sẽ phải dựng lên các máy đào để bitcoin network có thể hoạt động được.

Dùng máy tính bình thường, không có card đồ họa có đào được Bitcoin không ?

Thực ra là vẫn có thể đào được nếu tham gia vào mạng lưới liên minh (mining pool) nhưng hiệu quả rất thấp, không ăn thua. Nếu ngày xưa việc đào Bitcoin sử dụng CPU là điều thường thấy thì hiện nay thậm chí việc sử dụng những bộ card GPU lắp liền vào nhau cũng đã trở nên lỗi thời. Thực tế tiền vốn bỏ ra để hoạt động hệ thống máy tính dạng này sẽ cao hơn là giá trị mà một block đem lại cho người dùng. Vì vậy những thiết bị công nghệ mới được đưa vào hoạt động như card FPGA với hiệu suất giải mã hash tốt hơn GPU hay ASIC – những bản mạch đặc chủng được thiết kế hoàn toàn nhằm mục đích đào Bitcoin.

Bitcoin được tạo ra bởi máy tính, vậy tại sao nó lại có giá trị ?

Giá trị cốt lõi của Bitcoin nằm ở mạng lưới của nó – chính là Bitcoin network. Giá trị của nó nằm trong sự hữu dụng, tiện lợi, an toàn, bảo mật trong việc giao dịch, có thể chuyển từ người này sang cho người khác mà không cần ngân hàng, không nhà nước hay tổ chức nào có thể can thiệp.

Khi mới sinh ra thì Bitcoin không có giá trị, chỉ có các thành viên trong cộng đồng nhỏ tham gia đào và sở hữu Bitcoin, phần lớn là các lập trình viên, họ tham gia chủ yếu vì hứng thú với nền tảng công nghệ mới. Giao dịch đầu tiên đánh dấu việc Bitcoin có giá trị mua bán chính là giao dịch mua 2 chiếc bánh Pizzas trị giá khoảng $25 bằng 10.000 BTC. Từ đó, dần dần cộng đồng Bitcoin ngày càng mở rộng ra, ngày càng nhiều người biết đến Bitcoin và mua bán Bitcoin với nhau. Và đến năm 2017 thì méo hiểu sao tự dưng nhiều người quan tâm và mua bán Bitcoin đến nỗi có thời điểm giá của nó đã chạm mốc $20,000/1BTC – một con số quá khủng khiếp.

Tuy nhiên câu chuyện giá trị của Bitcoin còn nằm ở vấn đề niềm tin. Khi người ta tin vào Bitcoin thì nó có giá trị, càng nhiều người tin thì giá trị của nó càng bền vững. Nhưng chỉ cần một lý do nào đó kiểu như sàn giao dịch bị hack, các chuyên gia kinh tế nổi tiếng tuyên bố hùng hồn rằng Bitcoin sắp chết cmnr thì lòng tin có thể bị lung lay dẫn đến giá trị của Bitcoin sẽ đi xuống.

Nếu bị đánh cắp Bitcoin hoặc bị mất Private Key của ví thì có cách nào lấy lại được không ?

Câu trả lời là không. Vì Bitcoin hoạt động trên một mạng lưới không có trung tâm, không có người quản lý, nó tự vận hành bởi chính các máy tính tham gia vào mạng; sẽ không có ai đứng ra phân xử và trả lại công bằng cho bạn với những cú phốt như mất Private Key hay bị hack (hack ở đây là hackers lấy cắp và sử dụng Private Key của bạn để chuyển Bitcoins từ ví của bạn đến ví của chúng).


— Lời kết —

Trên đây chỉ là một phần kiến thức nhỏ về Blockchain & Bitcoin mà mình biết và chia sẻ cho anh em. Để tìm hiểu sâu hơn thì còn rất nhiều điều và cần thời nhiều gian hơn. Bitcoin và các đồng tiền kỹ thuật số khác chỉ là khởi đầu của xu hướng công nghệ mang tên Blockchain. Chưa biết tương lại của Bitcoin sẽ đi về đâu nhưng với sức mạnh của mình thì Blockchain đã và đang được nghiên cứu để ứng dụng vào các lĩnh vực khác trong cuộc sống như tài chính, ý tế, giáo dục, chính trị… Bánh xe Blockchain đã khởi động xong và bắt đầu tăng tốc làm thay đổi thế giới.

— Phạm Minh Tuấn (Shun) —

2 bình luận

Đã đóng bình luận.